Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt ‘rải tiền’ ở nhiều tỉnh để được hưởng đặc quyền
09:54 05/09/2023
Theo kết luận điều tra vụ Việt Á, đã có sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ test xét nghiệm tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương.
Chuyển Giám đốc CDC Hải Dương 27 tỷ
Sau khi tỉnh Hải Dương công bố dịch, ngày 28/1/2021, ông Phan Quốc Việt gọi điện cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) đề nghị ông Tuyến giúp đỡ Công ty Việt Á được cung cấp test xét nghiệm và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho tỉnh Hải Dương phục vụ phòng, chống dịch. Ông Tuyến nói: “Việc này phức tạp, không đủ thẩm quyền giải quyết”.
Ngay sau đó, ông Việt gọi điện qua ứng dụng Whatsapp nhờ ông Nguyễn Huỳnh (khi đó là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế) nhờ ông Long tác động đến ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Long đã trực tiếp gặp, đề nghị và được ông Thăng đồng ý giúp đỡ ông Việt và Công ty Việt Á.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Phạm Duy Tuyến đã ký 4 hợp đồng giữa CDC Hải Dương và Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác. CDC Hải Dương thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại ngân sách hơn 73 tỷ đồng.
CQĐT cũng làm rõ, trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Tuyến và Việt thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á chi cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 đến 25% giá trị hợp đồng sau khi CDC Hải Dương thanh toán tiền cho Công ty Việt Á.
Theo thỏa thuận trên, từ ngày 19/5- 19/11/2021, ông Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới chuyển cho ông Tuyến tổng số tiền 27 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được ông Tuyến đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Hải Dương và sử dụng cá nhân.
Bắc Giang: Thủ quỹ Việt Á chuyển hơn 44 tỷ đồng ngoài hợp đồng
Khoảng đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại tỉnh Bắc Giang. Ngày 13/5/2021 ông Phan Quốc Việt cùng Phó TGĐ Vũ Đình Hiệp đến Công ty Phan Anh, gặp và trao đổi với ông Phan Huy Văn (Giám đốc công ty này) về chính sách bán hàng của Công ty Việt Á.
Hai bên thống nhất, Công ty Việt Á sẽ chi tiền % ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh theo tỷ lệ 40% giá trị hợp đồng nếu Công ty Phan Anh nhận hàng hoá là test xét nghiệm; tỷ lệ 30% nếu Công ty Phan Anh nhận bằng tiền.
Sau đó, ông Văn đưa ông Việt và Hiệp đến CDC Bắc Giang để gặp ông Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang). Tại buổi gặp này, ông Việt trao đổi với ông Tuấn việc Công ty Việt Á sẽ thực hiện vai trò kỹ thuật còn việc bán hàng do Công ty Phan Anh thực hiện.
Tiếp đó, trong quá trình Công ty Việt Á chi tiền % ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh, ông Việt làm việc và cho bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột ông Văn) số điện thoại của bị can Phan Tôn Noel Thảo (Kế toán trưởng Công ty Việt Á) để liên hệ đối chiếu số lượng các đơn hàng, chốt số tiền % chiết khấu thực tế.
Theo yêu cầu của bà Vân, từ ngày 16/6- 25/11/2021, thủ quỹ Công ty Việt Á đã 7 lần chuyển hơn 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng giữa Công ty Phan Anh và Công ty Việt Á cho bà Vân. Số tiền này bà Vân dùng để chi phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty Phan Anh, sử dụng cá nhân và đưa 5 tỷ đồng cho ông Lâm Văn Tuấn.
CQĐT cho rằng, hành vi của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 104 tỷ đồng.
Ông Lê Ánh Dương (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký các quyết định về việc phê duyệt danh mục, số lượng, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu số 1 và 2/2020, tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đồng.
Theo CQĐT, không có dấu hiệu tội phạm và không có căn cứ xác định việc ông Dương được nhận lợi ích vật chất từ Công ty Phan Anh và các tổ chức, cá nhân khác.
Ông Lê Ánh Dương đã bị kỷ luật khiển trách về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch theo quyết định của Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Sáu hợp đồng giữa CDC Nghệ An và Công ty Việt Á
Kết luận điều tra cho rằng, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu lớn về test xét nghiệm và vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An) đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (Kế toán trưởng CDC Nghệ An) làm việc với Nguyễn Thị Thắm (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) để CDC Nghệ An nhận test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác của Công ty Việt Á sử dụng trước.
Sau đó, ông Định tiếp tục chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thắm phối hợp với các khoa, phòng chuyên môn thuộc CDC Nghệ An hợp thức hồ sơ đấu thầu để CDC Nghệ An thanh toán tiền cho Công ty Việt Á.
Ông Định đã ký 6 hợp đồng giữa CDC Nghệ An và Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác, CDC Nghệ An đã thanh toán tiền test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 25 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 16 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, ông Định và các bị can, cá nhân liên quan thuộc CDC Nghệ An được Công ty Việt Á chi 2,15 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng. Trong đó, ông Định nhận 185 triệu đồng, Nguyễn Thị Hồng Thắm nhận 95 triệu đồng (số tiền còn lại, CDC Nghệ An chưa sử dụng).
Việt Á trúng 5 gói thầu với CDC Bình Dương giá trị hơn 37 tỷ
Theo CQĐT, ông Phan Quốc Việt đã chỉ đạo để Công ty Việt Á ứng trước test xét nghiệm cho CDC Bình Dương sử dụng và hợp thức hồ sơ đấu thầu để thanh toán sau theo giá đề nghị của Công ty Việt Á.
Từ đó, Công ty Việt Á đã tham gia, trúng 5 gói thầu, ký 5 hợp đồng với CDC Bình Dương gồm test xét nghiệm và vật tư y tế tiêu hao, tổng trị giá hơn 37 tỷ đồng.
Ông Việt cũng chỉ đạo kế toán trưởng và thủ quỹ Công ty Việt Á tính toán, xác định số tiền % ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á chuyển cho ông Lê Trung Nguyên (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) để chi cho bà Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên CDC Bình Dương) hơn 1 tỷ đồng và ông Tiêu Quốc Cường (kế toán trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế Bình Dương) hơn 1,2 tỷ đồng.
Hành vi của các bị can tại CDC Bình Dương gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.